Nguồn gốc của cờ vua

lịch sử cờ vua; học cờ vua
Nguồn gốc cờ vua

Tiền thân của cờ vua xuất hiện ở đất nước của những điệu múa bụng nổi tiếng là Ấn Độ, trong thời kỳ của đế chế Gupta, vào khoảng thế kỷ thứ 6 sau công nguyên. Vào thời đó, người ta gọi trò chơi này là chaturanga – trò chơi với nhiều loại binh chủng xuất hiện trên bàn cờ gồm bộ binh, kỵ binh, tượng binh và xa binh tương ứng với các quân cờ hiện đại là chốt, mã, tượng và xe. Ở đất nước Ba Tư khoảng 600 năm sau công nguyên, tên trò chơi được gọi là chatrang và những luật lệ đã bắt đầu phát triển cao hơn, đặc biệt trong số đó người ta gọi “Shāh!” khi tấn công vào Vua đối phương, và “Shāh māt!” khi quân Vua đó bị tấn công và không có cách nào để thoát khỏi. Điểm này tồn tại với cờ vua khi nó được mang đến nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới.

Cuộc chinh phục của người Ba Tư đã đưa trò chơi này đến các đất nước Tây Á và tên của trò chơi được sửa lại đôi chút cho hợp với giọng đọc của người dân trong vùng là shatranj. Sau đó, người Maroc ở vùng Bắc Phi đổi tên thành shaterej, đọc theo tiếng Tây Ban Nha có thể là acedrez, axedrez hay ajedrez. Khi cờ vua đến với châu Âu, tùy theo âm điệu giọng nói của từng dân tộc, từng quốc gia mà thành nhiều tên khác nhau như scacchi (Italy), échecs (Pháp), schack (Thụy Điển)…

Cờ vua đã du nhập đến nhiều vùng miền trên thế giới bởi nhiều con đường khác nhau và cũng từ đó phát triển mạnh về số người chơi cờ vua. Vì có nhiều người chơi từ nhiều đất nước dân tộc nên nảy sinh ra nhu cầu phải có luật lệ thống nhất để mọi người có thể giao lưu với nhau dù khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa. Các luật lệ được phát triển mạnh mẽ và sớm hình thành hệ thống ở châu Âu vào cuối thế kỷ 15 của thời Phục Hưng.

Chúng ta cùng điểm qua sự phát triển của các quân cờ qua thời gian và khi đến các vùng đất, dân tộc khác nhau.

Ở Ấn Độ ngày trước, quân Hậu chỉ có thể đi chéo 1 ô, quân Tượng thì đi chéo 2 ô không hơn không kém và quân chốt chưa thể đi 2 ô ngay từ đầu. Tuy đã có luật phong cấp nhưng chốt khi ấy cũng chỉ có thể phong thành Hậu, không thể thành quân cờ khác. Riêng Xe, Tượng, Mã thì không có nhiều thay đổi.

Ở châu Âu, người ta thêm 1 luật cho chốt có khả năng nhảy 2 ô ngay từ vạch xuất phát và cũng từ đó hình thành nên luật ăn chốt qua đường. Tiếp theo đó, Vua được cho thêm khả năng nhảy 2 ô 1 lần duy nhất trong ván, đó là tiền đề cho sự hình thành nước nhập thành “nhất cử lưỡng tiện” để Vua được an toàn và Xe ra tấn công ngay. Hậu đã được phép đi ngang dọc chéo trên bàn cờ, tuy cũng mới chỉ được 2 ô. Tuy nhiên, lại không cho một quân đang bị ghim được thực hiện nước chiếu.

Qua nhiều cải cách trên thế giới, cờ vua dần được hoàn thiện và đến với mọi người. Luật cờ vua cũng từ đó mà dần hợp nhất. Thế nhưng, các quân cờ vẫn chưa phát huy hết được sức mạnh của nó, cụ thể là Hậu và Tượng vẫn còn rất yếu. Điều đó cũng do nguyên nhân, khi cờ vua du nhập châu Âu người ta không có Tượng binh và khi đó phụ nữ vẫn chưa được xem trọng. Quân Tượng từ Ấn Độ nay biến thành quân cố vấn (Councilor) và cố vấn cũng chỉ quanh vẩn vua nên sức mạnh quân sự của nó không thể cao như kỵ binh (Mã) hay xa binh (Xe). Nhưng sau đó, người ta dần nhận ra tầm quan trọng của các quý bà cũng như muốn làm cho cờ vua càng trở nên hoàn thiện, Hậu và Tượng đã được nâng cao giá trị qua việc biến chúng trở thành quân tầm xa và đặc biệt là Hậu có thể ngang dọc khắp bàn cờ. Cũng từ đó, việc phong cấp cho chốt càng giá trị hơn và quân chốt yếu ớt ngày này, nay được người ta xem trọng hơn rất nhiều.

Những câu lạc bộ, tổ chức, trung tâm cờ xuất hiện. Đó là nơi nhiều tay cờ nổi tiếng tụ hội để thi đấu học hỏi lẫn nhau hay cũng chính là nơi để những người mới biết chơi rèn luyện khả năng tư duy của mình trên bàn cờ. Nổi tiếng nhất trong số các trung tâm cờ chính là quán cà phê Régence ở Pháp, nơi hai nhà chơi cờ kiệt xuất là Paul Morphy và Andre Philidor đặt chân đến thi đấu.

Các tổ chức cờ hình thành nhằm mục đích xây dựng các hệ thống thi đấu Quốc gia và Quốc tế, thống nhất làng cờ thế giới để tìm ra người giỏi nhất. Và hiện này, chúng ta có tổ chức cờ vua thế giới với tên viết tắt là FIDE.
Văn Nhuận sưu tầm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *